Phong cách nội thất Công nghiệp (Industrial)

Thiết kế nội thất công nghiệp (Industrial) lấy cảm hứng từ các nhà máy được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các tòa nhà bao gồm gạch, bê tông, sắt và thép, được thiết kế và xây dựng để sử dụng được trong nhiều năm, không gian của các công trình này thường rất lớn so với nhu cầu sử dụng để phòng cho những trường hợp có thêm công nhân.

I. Lịch sử hình thành phong cách công nghiệp

Mặc dù được coi là một trong những phong cách hiện đại, nội thất theo phong cách này lại có nguồn gốc từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Sự phát triển của các nhà máy khổng lồ để bày các máy móc kích thước lớn với nhiều công nhân là nền tảng của phong cách công nghiệp.

  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần I: Vào những năm 1760, cuộc Cách mạng Công nghiệp đánh dấu sự khởi đầu của sản xuất hàng loạt ở các đô thị Châu Âu và Hoa Kỳ. Các nhà máy là nơi bắt đầu của kiến ​​trúc công nghiệp với các cửa sổ lớn, có ô lưới để nhận không khí và ánh sáng tự nhiên, gác xép, mặt bằng mở và tường gạch lộ ra ngoài.
  • Cuộc cách mạng công nghiệp lần II: Vào những năm 1870, cuộc Cách mạng công nghiệp lần 2 đã dẫn đến các nhà máy quy mô lớn hơn khi các doanh nghiệp hợp nhất lại. Những cấu trúc nhà máy này sử dụng vật liệu xây dựng chắc chắn hơn như bê tông và thép, những thứ khác vẫn còn lộ thiên. Bóng đèn Edison, một đặc điểm chính của đèn công nghiệp, được phát minh vào năm 1879.

Nhưng vào những năm 20 của thế kỷ 20 (những năm 1920), nhiều nhà máy, xí nghiệp dần đóng cửa. Mặt bằng nhà xưởng cho thuê với chi phí rất thấp trong khi đó những người nghệ sĩ lại không có nhiều tiền. Vì thế mà hội trường, nhà xưởng đã trở thành thiên đường cho các nhạc sĩ và nghệ sĩ. Đến những năm 1970, các công trình nhà xưởng thu hút được sự chú ý của xã hội hơi vì không gian cũng thích hợp để ở và làm việc. Sau đó, các chủ nhà xưởng cũng chuyển đổi mặt bằng nhà máy và nhà kho thành nhà ở.

II. Đặc trưng của phong cách này

Có thể gói gọn phong cách công nghiệp ở 2 đặc trưng: Tính thực tế và nhân tạo.

  • Thực tế ở chỗ phong cách này thực sự sử dụng các chi tiết đặc trưng của nhà xưởng để cải tạo lại nội thất, chú trọng vào dầm, sàn, tường, hệ thống thông gió.
  • Nhân tạo ở chỗ phong cách này áp dụng cho tất cả các không gian từ nhà ở, nhà hàng, văn phòng hiện nay không phải là nhà xưởng; đồng thời sử dụng các vật liệu nhân tạo như giả gạch, trát vữa.

Phong cách này đặc trưng bởi lối trang trí đơn giản không rườm rà, các chi tiết kiến ​​trúc thường lộ ra ngoài còn đồ nội thất thì có xu hướng bền và thường được làm từ vật liệu tự nhiên. Nhìn chung, các đặc trưng chính của phong cách này bao gồm:

  • Kết cấu hoàn thiện còn nguyên phần thô;
  • Sự tối giản trong trang trí;
  • Không có vách ngăn chia phòng thành từng khu;
  • Trần nhà cao, có cột, cửa sổ rộng;
  • Hệ thống ống nước, dây điện, ống thông gió để lộ.

Nếu bạn là tuýp người thích bầu không khí nhẹ nhàng, ấm cúng thì phong cách này chắc chắn không phù hợp, nó sẽ phù hợp hơn với giới trẻ tiến bộ hoặc những người làm nghề sáng tạo vì nó khuyến khích mọi người hành động tích cực và phát triển tư duy.

phong-cách-công-nghiệp
phong-cách-công-nghiệp
  • Điểm đặc trưng dễ nhận thấy nhất là không gian mở: Mặt bằng tối ưu phù hợp sẽ là một căn hộ 2 tầng, nhà riêng hoặc một xưởng sản xuất cũ có diện tích 120 – 200 m2. Nếu diện tích căn phòng không được rộng như mong muốn thì đôi khi sẽ phải phá bỏ những bức tường không chịu lực.
  • Vật liệu xây dựng và hoàn thiện chính là bê tông, kim loại, kính, gạch, đá, thạch cao, là những vật liệu tự nhiên nên ngay lập tức sẽ gợi lên liên tưởng đến một nhà xưởng. Đối với vật liệu kim loại, bạn nên ưu tiên đồng thau, sắt, nhôm và thép chứ không phải là vàng và bạc.
    • Trần nhà càng đơn giản càng tốt, chủ yếu là quét vôi hoặc sơn màu. Nếu chiều cao của trần nhà >3 mét thì bạn có thể sử dụng tấm thạch cao giật cấp. Dầm được dùng làm chi tiết nhấn mạnh cho trần, đôi khi có thể là hệ thống đường ống hoặc lưới sắt.
    • Sàn nhà phẳng với hiệu ứng bề mặt bị xước hoặc đổ bê tông. Nếu dùng ván gỗ thì phải chọn màu tối.
    • Tường gạch chưa trát là cách đơn giản nhất để tiếp cận phong cách này nhưng nên tiết chế ở mức độ nhỏ. Có thể trát hoặc sơn màu trung tính cho tường nhưng hiện nay thì có thể kết hợp sử dụng các vật liệu như tấm ốp giả gạch, giả đá.
    • Cửa sổ càng lớn càng tốt. Ánh sáng tự nhiên là cần thiết để “sưởi ấm” cho không gian “lạnh lẽo, u ám” của phong cách công nghiệp. Khung kính cửa sổ thường bằng kim loại hoặc nhựa và không được che lại bằng bất cứ thứ gì.
  • Phong cách này không cố gắng tạo ra một bầu không khí ấm cúng, nó hướng tới sự chân thực, phạm vi sắc thái là tối thiểu. Những màu sắc được dùng nhiều nhất là màu xám, màu ghi của thép, màu đen, kaki, xanh đậm, màu be và trắng, các tông màu gỗ và nâu.
  • Để cân bằng cho không gian rộng lớn thì các phòng thường được trang bị đồ nội thất kích thước lớn nhưng hình dạng hình học lại tối giản. Các đồ nội thất thường được sản xuất từ kim loại và gỗ tối màu, bọc bằng vải trơn hoặc da sạm.

III. Thiết kế cho từng phòng

  1. Đồ nội thất bọc nệm được đặt dựa vào tường hoặc ở giữa phòng khách, một chiếc ghế sofa lớn là phù hợp, chất liệu bọc phải mờ và trơn – ưu tiên các màu xám, be, kaki, nâu, kem. Đối diện ghế sofa có thể đặt 2 ghế bành hoặc 1 chiếc 1 chỗ ngồi có kiểu dáng tương tự. Bàn trà ở giữa hình tròn hoặc hình chữ nhật, khung kim loại hoặc gỗ. Không gian phòng khách có thể được bổ sung thêm đèn sàn, tủ gỗ tối màu và kệ kim loại.
  2. Không gian bếp thường liền với phòng khách, nếu bạn muốn ngăn chia không gian thì bằng quầy bar. Tường gạch, dầm gỗ, đường ống là những chi tiết đặc trưng trong bếp. Tủ bếp dùng gỗ tối màu, ghế ngôi cao dạng ghế đẩu. Ánh sáng cho bếp lấy từ đèn thả/ đèn treo, đèn có dạng hình học hoặc đèn Edison.
  3. Trong phòng ngủ, vật liệu gỗ được sử dụng nhiều hơn kim loại. Giường rộng có đầu giường hình chữ nhật bằng gỗ, bạn có thể đặt ghế bành bọc vải gabardine, một chiếc ghế bọc da tròn, một chiếc tủ có ngăn kéo, một chiếc bàn cạnh giường ngủ. Rèm cửa, thảm và các loại vải dệt cùng tông màu. Đồ trang trí có thể là đèn, tranh vẽ, gương, đồng hồ cổ điển.
  4. WC được thiết kế tập trung vào sự tối giản, vì những căn phòng này không có cửa sổ. Màu sáng cho lớp hoàn thiện tường, trần, sàn được ưu tiên như xám nhạt, trắng, be. Nếu có bồn tắm thì có thể ngăn cách bằng vách ngăn kính khung kim loại.
  5. Hành lang cũng thiên về sự tối giản. Ở đây chỉ có những đồ nội thất cần thiết nhất được sử dụng như một chiếc móc kim loại, một giá để giày, một chiếc gương lớn không có khung. Tường hoàn thiện bằng gạch hoặc sơn màu trung tính. Đồ trang trí có thể là một tấm áp phích treo tường, một tấm thảm có dòng chữ hoặc một chiếc chân đèn.